Sức mạnh của thói quen

Đã xong quyển “Sức mạnh thói quen” (The power of habit) của Charles Duhigg. Thật sự một quyển sách dày 436 trang mà đọc như thế thì hơi chậm nhưng quả thật để thấm nó không hề dễ mà sách này cũng không phải là dạng tiểu thuyết có cốt truyện để có thể đọc một sớm một chiều. Chuẩn bị đọc lại lần hai.

Thông tin thêm về Charles Duhigg

Charles Duhigg là phóng viên của thời báo New York từ năm 2006, là cây bút trụ cột của thời báo Los Angeles. Từ năm 2007 tới nay, anh liên tục nhận được những giải thưởng lớn cho các bài báo và cuốn sách viết về kinh tế và doanh nghiệp. Một thập kỷ trước, khi làm phóng viên tại Irac, anh đã bắt đầu quan tâm tới thói quen khi được nghe một thiếu tá quân đội kể về ảnh hưởng của thói quen tới thành công của ông. Anh chính là tác giả của cuốn sách The Power of Habit (Sức mạnh của thói quen) được trích đăng trên Thời báo New York. Cuốn sách nằm trong danh sách best-seller suốt 40 tuần trên Thời báo New York và cho đến nay vẫn là một trong số những cuốn sách hay nhất về thay đổi hành vi con người và tổ chức.

Nói về sách, đúng như tên gọi, tác giả sẽ cho ta thấy sức mạnh của thói quen ảnh hưởng đến đời sống con người hàng ngày. Một thể loại về cách sống, về phương pháp sống.

Bạn sẽ ngần ngại khi nghe đến thể loại nghe có vẻ “lý thuyết” này nhưng thực chất phong cách viết đậm chất thực tế của Charles Duhigg đã đạt được đến trình độ đỉnh cao. Tác giả dẫn vào sách rất nhiều câu chuyện có thật từ thực tế. Từ một cô gái bị suy sụp về mặt tình cảm, một người mẹ bị nghiện cờ bạc, đến cách một người điều hành công ty áp dụng, cách một huấn luyện viên bóng rổ giúp cho cầu thủ đội mình giành chiến thắng, cũng như phương thức vận hành trong các công ty và tập đoàn lớn. Cái hay của tác giả là sắp xếp các câu chuyện, các cuộc phỏng vấn này một cách logic và giúp ta định hình được cũng như đối chiếu được với những gì ta làm trong cuộc sống và tìm ra được cách riêng cho mỗi người.

Đọc được chương đầu tiên, tôi rất hứng thú và share ngay cho các bạn mình. Đến giữa quyển, tôi khẳng định rằng đây là một trong những sách làm thay đổi về suy nghĩ cũng như cách sống của bản thân. Đến giờ, khi kết thúc nó, tôi vẫn không thay đổi những cảm giác và nhận định ban đầu.

Nếu có thể, hãy đọc “Sức mạnh thói quen” của Charles Duhigg.

Xem tóm tắt

Phần mở đầu

Cải tạo thói quen

Mở đầu sách, tác giả dẫn ra một ví dụ về Lisa Allen, 34 tuổi. Cô bắt đầu nghiện rượu và thuốc lá và đấu tranh chống lại bệnh béo phì sau khi bị phản bội và ly hôn. Cô tìm đủ mọi cách để vượt qua trở ngại nhưng bất thành. Vào một ngày, cô quyết định đến Cairo, Ai Cập và quyết định thực thiện một chiến đi xuyên sa mạc. Kể từ đó, cô đã khắc phục được khó khăn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng chuyến đi đến Cairo, cũng như cuộc ly hôn hay chuyến đi qua sa mạc không phải là nguyên nhân của sự thay đổi. Nguyên nhân là Lisa đã tập trung thay đổi chỉ một thói quen duy nhất, đó chính là hút thuốc lá.

Bằng việc tập trung vào một thói quen duy nhất được gọi là “thói quen cơ bản”, Lisa đã tự dạy mình cách sửa lại những hoạt động khác trong cuộc sống.

Khi thức dậy vào buổi sáng, bạn sẽ làm gì đầu tiên? Có phải bạn sẽ tắm vội, kiểm tra email hay lấy một cái bánh nướng từ quầy bếp? Bạn đánh răng trước hay sau khi lau khô mình? Bạn buộc dây giày trái hay phải trước? Bạn nói gì với các con khi đi ra cửa? Bạn chọn đường nào để lái xe đi làm?…

Năm 1982, William James viết “Toàn bộ cuộc sống của chúng ta là một tổng thể của các thói quen, dù trong chừng mực nào đó nó có một hình thái nhất định.

Bài báo của một nhà nghiên cứu ở trường đại học Duke năm 2006 đã kết luận rằng hơn 40% lề thói hàng ngày của con người không phải là quyết định thực sự mà là thói quen.

Tác giả cũng dẫn giải thêm vài ví dụ khác khi họ đã thành công thế nào trong việc chú trọng đến phát triển thói quen hàng ngày.

Mỗi chương suy xét xung quanh một lý lẽ quan trọng: Thói quen có thể thay đổi được nếu chúng ta hiểu được cách thức nó hoạt động.

Phần I - Các thói quen cá nhân

Vòng lặp của thói quen

Cách thức thói quen hoạt động

Chương này tập trung nói về một cụ ông 70 tuổi tên là Eugene. Vợ ông tên là Beverly. Ông Eugene mắc một chứng bệnh hay quên. Ông gần như quên ngay những thứ trước đó vài mươi giây. Điều này dẫn đến tình trạng ông rất hay làm cùng một việc chỉ sau khoảng vài phút, ví dụ như hỏi tên một người, đi ăn sáng, xem tivi. Ông lặp lại những hành động ấy vì ông nghĩ rằng mình chưa từng làm cái đó trước đó do sự quên. Ông cũng hay cáu gắt nhưng rồi lại quên ngay sau ấy.

Có một điều lạ là một hôm ông đi ra khỏi nhà một mình để đi dạo (trong khi rất nhiều lần khác có vợ ông đi cùng, lần này bà ấy vô ý). Đáng lý với một người hay quên như ông thì sẽ rất khó để tìm được đường về nhà, nhưng không, ông đã trở về nhà an toàn. Kỳ lạ là khi hỏi ông đâu là nhà của ông, ông không biết, kêu ông vẽ bản đồ (cơ bản), ông cũng không biết. Nhưng ông đã tự động về đến được nhà nhờ cả vào THÓI QUEN. Nó cũng giống như việc ông có thể tự đi WC, tự đi tìm đồ ăn dù khi hỏi ông nhà WC và nhà bếp ở đâu thì ông không thể trả lời được.

Nhà khoa học Larry Squire, 52 tuổi, là một giáo sư đã dành 30 năm nghiên cứu cấu trúc hệ thần kinh của trí nhớ. Ông đã đến làm việc và tiến hành nhiều thử nghiệm với ông Eugene và phát hiện ra nhiều điều lý thú ở thói quen của con người, và cả trên loài chuột bạch thông qua thí nghiệm tìm đường đi đến thỏi chocolat.

Theo các nhà khoa học, thói quen hình thành vì não bộ không ngừng tìm cách để giảm bớt sự nỗ lực trí óc. Não bộ cố gắng để chuyển hầu hết hoạt động hàng ngày thành thói quen vì thói quen cho phép não bộ nghỉ ngơi thường xuyên hơn

Khi một thói quen hình thành, não bộ ngừng tham gia hoàn toàn vào việc ra quyết định.

Thói quen chưa bao giờ thực sự mất đi. Chúng được mã hóa thành cấu trúc của não bộ và đó là thuận lợi lớn cho chúng ta, bởi vì nếu chúng ta phải học lại cách lái xe vào mỗi kỳ nghỉ thì sẽ rất khủng khiếp.

Vấn đề là não bộ không thể chỉ ra sự khác nhau giữa thói quen tốt và xấu, nếu bạn có một thói quen xấu, nó thường ẩn nấp ở đó, chờ đợi gợi ý và phần thưởng thích hợp xuất hiện.

Mỗi cửa hàng McDonald đều như nhau, công ty theo chủ ý cố gắng chuẩn hóa thiết kế cửa hàng và những gì nhân viên nói với khách hàng, vì thế mọi thứ là một gợi ý nhất quán tác động đến lề thói ăn uống.

Não bộ của sự thèm muốn

Cách tạo thói quen mới

Phần này nói nhiều về kinh doanh, về cách thức mà các nhà marketing áp dụng vào việc quảng cáo sản phẩm mới. Họ muốn người tiêu dùng hình thành thói quen với các sản phẩm của họ để từ đó người tiêu dùng sẽ mua sắm cũng theo thói quen và đem lại lợi nhuận cao.

Mở đầu đề cập đến nhà quản trị xuất chúng người Mỹ những năm 1900 tên là Claude C. Hopkins. Ông được một người bạn mời về tư vấn cho chiến lược quảng cáo một loại kem đánh răng mới tên Pepsodent. Vào giai đoạn đó, tình hình sức khỏe răng miệng của người Mỹ đang xuống cấp trầm trọng, nghĩa là người Mỹ không có thói quen đánh răng thường xuyên. Đây cũng là vấn đề răng miệng quốc gia. Lúc đầu ông không đồng ý tham gia nhưng sau đó lại đồng ý và đã đưa Pepsodent trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất trên thế giới. Phương pháp của ông là quảng cáo về tác dụng của việc đánh bật đi các mảng bám răng. Bí quyết của ông tóm gọn lại thành hai cụm từ gợi ý - phần thưởng. Ông dùng hai cái đó để đem lại thói quen hàng ngày cho người dân Mỹ, làm cho họ phải sử dụng kem đánh răng thường xuyên hơn và nghĩ ngay đến Pepsodent.

“Chỉ cần lướt ngón tay dọc răng bạn, bạn sẽ cảm thấy mảng bám, nguyên nhân làm cho răng bạn xỉn màu và dễ bị sâu răng”.

“Hãy chú ý xem bao nhiêu người có hàm răng đẹp ở khắp mọi nơi”

“Hàng triệu người đang sử dụng một phương pháp mới để làm sạch răng. Tại sao cẳng có phụ nữ nào có mảng bám xỉn màu trên răng họ? Pepsodent đánh bay mảng bám.”

Gợi ý ở đây là “mảng bám răng” và phần thưởng “răng đẹp”. Ông tự tin về bí quyết của mình, ông đi thuyết giảng rất nhiều về nó nhưng sau này, người ta phát hiện ra ngoài hai nguyên tắc cơ bản mà Hopkins tự tin nói ở trên (gợi ý, phần thưởng), còn một nguyên tắc thứ 3 khác rất quan trọng mà ông cũng đã dùng nhưng không hề để ý đến, đó chính là sự ham muốn.

Câu chuyện tiếp theo nói về tập đoàn P&G và việc muốn quảng cáo sản phẩm khử mùi tên Febreze mới của công ty. Một đội được thành lập (dưới sự dẫn dắt của một thiên tài toán học tên Stimson) và áp dụng 2 quy tắc của Hopkins để quảng bá sản phẩm. Họ phỏng vấn một người phụ nữ kiểm lâm trẻ, người cô và môi trường sống của cô tràn đầy mùi chồn hôi. Sau một thời gian sử dụng thử sản phẩm của P&G, cô hạnh phúc nói rằng nó mang lại cuộc sống mới cho cô. Từ đó nhóm quyết định quảng cáo theo gợi ý là “mùi khó chịu” sang phần thưởng là “hết mùi khó chịu và cảm giác được nhẹ nhõm”. Tuy nhiên sau một thời gian thì lượng sản phẩm bán ra không khá là bao, đi kiểm định thị trường thì phát hiện sản phẩm của họ bị vứt vào một xó, tức có nghĩa là chúng đã không tạo được thói quen. Lý do được phát hiện là đa phần mọi người không phát hiện ra mùi hôi của chính mình nên không nhắc họ sử dụng sản phẩm được.

Làm sao để xây dựng một thói quen mới khi không có gợi ý nào tác độn đến việc sử dụng và khi khách hàng cần nó nhất lại không coi trọng phần thưởng?

Cuối cùng nhóm phát hiện ra nguyên tắc thứ 3 quan trọng ấy - sự ham muốn. Sự ham muốn ở thành công của Hopkins trong việc bán kem đánh răng Pepsodent chính là hương vị bạc hà sau mỗi lần đánh răng. Nghĩa là, dấu hiệu the the, bọt trắng gắn liền với cảm giác sạch răng. Đó chính là ham muốn của người dân khi đánh răng, muốn có được cảm giác đó. Đó cũng chính là lý do vì sao, dầu gội đầu, nước giặt quần áo, nước rửa chén không nhất thiết phải có bọt nhưng bọt cho họ một dấu hiệu rằng thứ họ tẩy đã đủ sạch.

…thói quen có tác động lớn lao. Nó tạo ra sự thèm muốn trong thần kinh.

Nhóm quyết định sửa lại cách quảng cáo Febreze, từ “Đẩy bay các mùi khó chịu ra khỏi vải” thành “Làm sạch mùi cuộc sống.” Phần thưởng ham muốn đạt được chính là “mùi dễ chịu như vẻ ngoài đẹp đẽ”. Họ thêm vào Febreze những mùi dễ chịu trong khi bản chất của Febreze vốn dĩ không cần thêm mùi mà nó chỉ có tác dụng làm mất mùi khó chịu.

Điều chúng tôi đang xem xét là sai. Không ai muốn sự không mùi. Ngược lại, nhiều người lại muốn có một mùi dễ chịu sau khi họ dành 30 phút dọn dẹp.

Cuối cùng sau khi thành công, P&G bắt đầu đề cập với khách hàng, Febreze không chỉ có mùi thơm mà còn làm mất đi những mùi khó chịu.

Có những cơ chế giúp chúng ta bỏ qua cám dỗ. Nhưng để áp đảo thói quen, chúng ta phải nhận ra sự thèm khát nào đang tác động đến lề thói.

Nhưng vô số nghiên cứu đã cho thấy một gợi ý và một phần thưởng không thể tự làm cho một thói quen mới kéo dài. Chỉ khi não bộ bắt đầu mong đợi phần thưởng - thèm muốn những hoocmon giảm đau hay cảm giác thành công - viêc buộc dây giày mỗi buổi sáng sẽ trở nên tự động.

Ví dụ khác, một nhà hàng bán bánh cố tình chọn vị trí ở xa các hàng quán ăn uống khác vì muốn mùi hương của bánh lan tỏa và không bị ngắt quãng. Họ muốn khác ngửi thấy mùi bánh và thèm ăn, họ sẽ theo thói quen tìm đến một nơi bán bánh là cửa hàng.

Đối với các công ty, hiểu được khoa học của sự thèm muốn là một cuộc cách mạng.

Vòng lặp thói quen : gợi ý - hành động - (sự ham muốn) - phần thưởng

Nguyên tắc vàng để thay đổi thói quen

Trong chuỗi vòng lặp thói quen : gợi ý - hành động - phần thưởng. Cố gắng giữ gợi ý và phần thưởng, thứ cần thay đổi để thay đổi thói quen chính là thay đổi hành động.

Phần này kể về vị huấn luyện viên bóng rổ Dungy. Ông đã áp dụng nguyên tắc huấn luyện thiên về thói quen lên cho các cầu thủ của mình. Ông cho họ tập đi tập lại rất ít động tác nhưng lại tập rất nhiều lần, để chúng trở thành thói quen của họ. Khi vào trận đấu, mỗi lần thấy cầu thủ đối phương ở những tư thế “gợi ý”, họ sẽ theo thói quen mà hành động thật nhanh, tránh không để cho suy nghĩ và đánh giá trong quá trình chơi (hiểu nôm na là ko suy nghĩ, tránh phân tâm). Đội của ông lúc đầu còn thua, sau này thắng liên tục.

“Chức vô địch không làm nên những điều phi thường,” Dungy giải thích. “Cầu thủ tạo ra những điều đó, nhưng họ tạo ra nó không suy nghĩ và thật nhanh để những đội khác không thể phản ứng. Họ làm theo thói quen họ đã học được.”

Cho đến trận đấu quyết định, toàn đội gặp áp lực và trở về với lề thói cũ, họ để cho suy nghĩ lấn át quá nhiều trong trận đấu và họ đã quên đi thói quen của mình, họ thất bại.

Lý do được đưa ra là niềm tin. Thói quen được thực hiện vì họ có được niềm tin vào cách thức nó hoạt động, cho đến trận đấu cuối cùng, họ gặp áp lực và ảnh hưởng đến niềm tin ấy.

“Niềm tin là thành tố lớn nhất của sự thành công trong bóng bầu dục chuyên nghiệp,” Dungy nói với tôi. “Cả đội muốn tin tưởng nhưng khi mọi thứ rơi vào tình thế căng thẳng, họ lại trở lại khu vực thoải mái của mình và cả những thói quen cũ.”

Dungy bị sa thải và sang một CLB khác, ông cũng áp dụng cách thức huấn luyện tương tự cho đến trận đấu cuối cùng. Nhưng lần này lại khác, thảm kịch đến với gia đình ông. Con trai ông tự tử. Khi ấy cả đội bóng muốn giúp đỡ ông phần nào. Nó đem đến cho các cầu thủ một mục tiêu và trách nhiệm khác. Lúc trước áp lực gây cho họ là tiền lương và hợp đồng nhưng giờ đây, họ thi đấu vì HLV của mình. Niềm tin đã được củng cố.

Phần này cũng kể về trung tâm cai rượu Alcoholics Anonymous (AA). Họ cũng áp dụng cách đã nói ở đầu, giữ gợi ý và phần thưởng nhưng thay đổi thói quen, thói quen ở đây là uống rượu, phần thưởng có thể là sự giải tỏa tâm lý, là bất cứ thứ gì mà người nghiện rượi uống để mong đạt được. Thói quen được thay bằng các buổi trò chuyện, đi dạo,…

…một khi bạn nhận ra những gợi ý và phần thưởng, bạn đã thay đổi nó được một nửa…

Các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm ra rằng sự thay thế thói quen có hiệu quả tốt với nhiều người cho đến khi những áp lực cuộc sống – như biết được mẹ bạn mắc bệnh ung thư, hay hôn nhân sắp tan vỡ – dần tăng cao cho đến điểm mà người nghiện rượu không thể kiêng rượu được nữa. Các học giả đặt câu hỏi tại sao, nếu sự thay đổi thói quen rất hiệu quả, nó có vẻ như thất bại tại thời điểm quan trọng đó. Và khi họ đào sâu những câu chuyện của người nghiện rượu để có câu trả lời, họ biết được sự thay thế thói quen chỉ trở thành lề thói mới lâu dài khi nó được kết hợp với cái gì đó.

Một khi mọi người học cách tin tưởng vào điều gì đó, kỹ năng đó bắt đầu ảnh hưởng đến những phần khác của cuộc sống, cho đến khi họ bắt đầu tin rằng họ có thể thay đổi. Niềm tin là thành phần làm cho một vòng lặp thói quen được tạo lại trở thành một lề thói lâu dài, ổn định. 

AA rèn luyện mọi người cách tin vào điều gì đó cho đến khi họ tin vào chương trình và chính bản thân mình

Phần II - Thói quen của các tổ chức thành công

Thói quen quyết định hay bản tình ca của Paul O’neil

Nói về CEO của công ty Aluminum (Alcoa) ở Mỹ và cách thức ông đã áp dụng để vực dậy công ty này. Đây là một công ty về kim loại. Ông Paul O’neil trước kia là một quan chức chính phủ, ông sau này cũng từng giữ chức vụ Bộ Trưởng Bộ Tài Chính.

Cách thức mà PO đã áp dụng chính là tập trung toàn lực vào thứ tưởng chừng như chẳng dính dáng gì đến công ty - an toàn lao động. Khi mọi người tuân thủ theo cái này, họ phải tuân thủ theo cả một hệ thống những cái khác, từ đó mọi thứ vô khuôn và có quy củ hơn, mọi người bớt phàn nàn và tranh cãi hơn vì trước khi các chính sách của công ty đưa ra cũng như các yêu cầu của công nhân mang tính lẻ tẻ, họ mâu thuẫn. Giờ đây, PO chỉ đưa ra duy nhất một yêu cầu này nhưng kéo theo tất cả những cái khác và nó thỏa mãn cả đôi bên.

Nếu bạn tập trung vào thay đổi hay tu dưỡng những thói quen chủ chốt, bạn có thể tạo ra sự chuyển đổi rộng rãi. Tuy nhiên, xác định những thói quen chủ chốt là rất khó khăn. Để tìm ra nó, bạn phải biết nơi nào để nhìn vào. Tìm ra những thói quen chủ chốt nghĩa là tìm ra những đặc điểm nhất định. Những thói quen chủ chốt mang đến thứ mà trong các tài liệu học thuật gọi là “những chiến thắng nhỏ.”

Những thói quen mang lại từ việc tập trung vào giữ an toàn lao động không những chỉ ảnh hưởng trong công ty, nó còn mang sang cả cuộc sống thường nhật của mọi người. Một hiệu ứng tích cực, domino.

Ví dụ khi PO phát động phong trào dùng email điện tử để báo cáo các kết quả về giữ an toàn lao động, mọi người bắt đầu quen và họ cũng bàn thêm những việc khác.

“Có vẻ tại các công ty khác, để sa thải ai đó đã làm việc ở đó rất lâu là điều khó khăn,” O’Neill nói với tôi. “Nhưng với tôi không khó khăn gì. Chúng tôi tuân theo các giá trị. Anh bị sa thải vì anh không thông báo vụ tai nạn và vì thế không ai có cơ hội để biết điều đó. Không chia sẻ cơ hội để học tập là lỗi cơ bản.”

Câu chuyện của Micheal Phelps

Vận động viên bơi lội thàng công nhất trong lịch sử người Mỹ. Nói về lý do tại sao anh lại thành công đến như vậy. Đó là bởi trước mỗi trận đấu, lúc mới thức dậy cho đến khi bắt đầu đường đua, anh đều làm cùng một loạt công việc và điều cuối cùng của dãy đó chính là giành chiến thắng. Chiến thắng đến với anh như là một kết quả tất yếu của một chuội thói quen. Việc hoàn thành đầy đủ và trọn vẹn tất cả những cái ấy trươớc mỗi cuộc đua như là một chiến thắng nhỏ và chiến thắng to hơn đến như một hệ quả tất yếu.

“Giống như tôi tưởng tượng nó,” Phelps nói. Đó là một chiến thắng thêm vào cuộc đời đầy những chiến thắng nhỏ.

Starbucks và thói quen của sự thành công

Recent read books

see all books

Top