Quẳng gánh lo đi và vui sống

Đây là quyển sách tôi được tặng bởi cô giáo hướng dẫn thực tập sư phạm năm thứ 4, cô Ngọc. Hồi ấy tôi thực tập ở trường Giồng Ông Tố, Quận 2, Tp.HCM với nhiều áp lực và lo lắng. Có lẽ vì thế mà trong một lễ hội sách tổ chức cùng thời điểm ấy, cô Ngọc đã mua quyển sách và tặng cho tôi kèm dòng ghi chú “Cô chúc em luôn mạnh khỏe và thành công trong cuộc sống lẫn sự nghiệp giáo dục của mình.

Chính người ngoài cuộc như cô đã nhận thấy trong tôi chất chứa quá nhiều lo lắng và suy nghĩ. Cô đã tặng nó cho tôi vào quý 2-3 năm 2012 mà đến tận năm 2017, khi đã sang Pháp tôi mới chịu lấy ra đọc khi mà mình đủ chính chắn để nhận ra quyển sách thật sự cần thiết lúc này.

Sách được viết bởi Dale Carnegie (1888-1955), tác giả của quyển Đắc Nhân Tâm (How to win friends and influence people) vốn rất nổi tiếng từ xưa đến nay. Ông là một nhà văn, người viết sách, giảng dạy các lớp học về kỹ năng mềm rất nổi tiếng ở Mỹ thời của ông. Quyển Quẳng gánh lo đi và vui sống này, với tên gốc là “How to stop worrying and start living” cũng được viết với cùng phong cách ấy.

Có một điểm chung khi tôi đọc các sách phong cách truyền cảm hứng như quyển này, quyển Đắc nhân tâm, hay Sức mạnh thói quen là tác giả lồng ghép rất rất nhiều các câu chuyện và con người thực tế vào trong quyển sách. Cái tài tình của họ là ở chỗ họ đã đọc rất nhiều, biết rất rộng, tiếp xúc và nói chuyện với rất nhiều người. Sau đó họ tổng kết lại tất cả các câu chuyện liên quan đế n chủ đề quyển sách, sắp xếp lại chúng thành một tổng thể thống nhất có tính trước sau và vô cùng thuyết phục.

Quyển QGLĐVVS sẽ cho bạn những ví dụ và phương pháp tuyệt vời giúp bạn giảm bớt và “quẳng” đi gánh lo của mình. Nó không phải là những lý thuyết sáo rỗng hay những lời nói mang tính giáo điều, nó là tập hợp những việc thật, người thật đã thành công trong việc chế ngự nỗi lo lắng của họ và có một cuộc sống hoàn toàn khác, vui vẻ hơn, yêu đời hơn và thành công hơn.

Nói về phương pháp được nêu trong sách thì có lẽ không có quá nhiều điều mới nếu không muốn nói toàn là những phương pháp bạn đã từng biết hoặc từng cố gắng áp dụng để chế ngự nỗi lo lắng. Cái hay của sách là làm nổi bậc chúng lên, sắp xếp lại một cách “ngăn nắp” và tạo cho bạn một cảm giác tin tưởng và có động lực thực hiện.

Việc tóm tắt tác phẩm là không khó vì cuối mỗi chương, mỗi mục tác giả đều ghi lại rõ ràng, bằng một font chữ to và đóng khung phương pháp được nêu ra trong chương đấy. Tuy nhiên cái thần, cái cảm giác tin tưởng và động lực áp dụng các phương pháp ấy cho chính bản thân ta thì cần phải đọc nội dung của từng chương.

Nếu là một người đang bế tắc trong cuộc sống, cần một động lực, niềm tin cũng như phương pháp để vượt qua tất cả chúng, hãy đọc QGLĐVVS của Dale Canergie.

Xem tóm tắt

Một lưu ý dành cho các bạn, bản tiếng Việt được dịch bởi nhà xuất bản Trẻ là bản dịch chuẩn nhất so với tác phẩm gốc. Một số bản dịch tôi tìm thấy trên mạng không thật sự hay và chính xác.

Những tóm tắt cuối chương trong sách

Các nguyên tắc cơ bản để loại bỏ sự lo lắng.

Nguyên tắc 1: Hãy đóng chặt những cánh cửa nặng nề dẫn đến quá khứ và tương lai. Hãy sống với ngày hôm nay, tận dụng tối đa 24 giờ quý giá của một ngày.

Sao bạn không tự hỏi bản thân mình và đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau?

  1. Liệu tôi có đang lảng tránh cuộc sống hiện tại vì cứ mãi lo nghĩ cho tương lai hay mơ tưởng đến “một vườn hồng huyền ảo ở tít tận chân trời”?
  2. Liệu tôi có làm u ám ngày hôm nay của mình bằng những hối tiếc về những điều đã qua?
  3. Liệu mỗi sáng thức dậy, tôi có quyết tâm “sống trọn ngày hôm nay” để sử dụng triệt để 24 giờ mà cuộc sống đem đế ncho tôi?
  4. Liệu tôi có thể sống tốt hơn khi chọn cách “sống trong ngăn kín của hiện tại” hay không?
  5. Khi nào tôi nên bắt đầu? Tuần sau? Ngày mai? hay chính Hôm nay?

Nguyên tắc 2 : Giải pháp kỳ diệu của Willis H. Carrier dành cho bạn khi gặp phải những tình huống khó khăn.

  1. Tự hỏi bản thân “Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?”
  2. Chuẩn bị tinh thần chấp nhận điều tồi tệ nhất.
  3. Nỗ lực cải thiện tình trạng xấu nhất.

Nguyên tắc 3 : Nhắc nhở bản thân về cái giá phải trả bằng sức khỏe của chính mình khi chúng ta quá lo lắng.

Phương pháp phân tích và giải quyết sự lo lắng

  1. Tìm hiểu vấn đề gây lo lắng, thu thập tất cả các dữ liệu có liên quan.
  2. Cân nhắc tất cả các thông tin, rồi đưa ra quyết định.
  3. Một khi đã đưa ra quyết định, hãy thực hiện ngay và kiên định làm theo quyết định đó.
  4. Nêu ra và trả lời bốn câu hỏi sau
    • Vấn đề là gì?
    • Đây là nguyên nhân gây ra vấn đề?
    • Tất cả những giải pháp có thể đưa ra để giải quyết vấn đề là gì?
    • Giải pháp tốt nhất là gì?

Phá bỏ thói quen lo lắng trước khi sự lo lắng tàn phá chúng ta

  1. Loại bỏ tất cả lo lắng khỏi đầu bạn bằng cách giữ cho mình luôn bận rộn.
  2. Đừng quan tâm quá nhiều đến những điều vặt vãnh. Hãy nhớ rằng, cuộc đời quá ngắn ngủi để có thời gian xét nét những điều vụn vặt.
  3. Hãy tự hỏi bản thân, xác suất để xảy ra những điều mình lo là bao nhiêu? Có khi mình lo cho những điều hiếm khi xảy ra.
  4. Học các chấp nhận và hợp tác với những điều không thể tránh khỏi hay thay đổi. “Chuyện cũng đã vậy rồi, không thể khác được”.
  5. Đặt một lệnh “dừng” đối với sự lo lắng của chúng ta, đừng dành cho nó sự quan tâm quá mức và mất kiểm soát.
  6. Hãy sống với hiện tại và để cho quá khứ tự chôn vùi những sai lầm của nó.

7 cách luyện tinh thần để sống thanh thản và hạnh phúc

  1. Suy nghĩ và hành động một cách vui tươi.
  2. Đừng bao giờ trả đũa kẻ thù của mình
  3. Luôn chuẩn bị tinh thần để đối diện với sự vô ơn.
  4. Hãy nghĩ đến những điều may mắn mà mình có được chứ không phải là những rắc rối.
  5. Đừng bắt chước người khác, hãy khám phá bản thân và tự tin là chính mình.
  6. Chấp nhận và biến đổi khó khăn thành cơ hội
  7. Hãy quên đi bản thân và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác.

Gạt bỏ nỗi lo bị chỉ trích

  1. Một lời chỉ trích bất công thường là những lời ca ngợi bị biến hình vì ghen tỵ. Hãy nhớ, không ai thèm soi mói vì một kẻ tầm thường.
  2. Hãy làm tốt nhất những gì có thể, rồi bật chiếc dù của bạn lên để cơn mưa nhận xét không làm ướt gáy bạn.
  3. Ghi nhận và phân tích những điểm yếu của bản thân.

Sáu cách tránh mệt mỏi và lo lắng, đồng thời nâng cao tinh thần và sức lực

  1. Nghỉ ngơi trước khi mệt.
  2. Học cách thư giãn khi đang làm việc.
  3. Học cách thư giãn khi đang ở nhà.
  4. Áp dụng thói quen tốt trong lúc làm việc
    • Dọn sạch tất cả giấy tờ trên bàn, trừ những thứ liên quan đến vấn đề đang giải quyết.
    • Xử lý mọi việc theo thứ tự quan trọng
    • Khi gặp vấn đề nảy sinh, hãy giải quyết luôn nếu thấy có đầy đủ các yếu tố cần thiết để đưa ra quyết định.
    • Học cách tổ chức, ủy quyền và giám sát công việc.
  5. Nhiệt tình với công việc.
  6. Không nên lo lắng về sự mất ngủ. Chính lo lắng về chứng mất ngủ mới hủy hoại sức khỏe của bạn - chứ không phải chứng mất ngủ.

Những highlights của tôi

Các nguyên tắc cơ bản để loại bỏ sự lo lắng.

Điều quan trọng không phải là biết được điều gì xảy ra trong tương lai mà là biết được cần phải làm gì ở hiện tại! - Thomas Carlyle

Sự suy giảm về nhiệt huyết cũng như những phiền muộn và căng thẳng về tinh thần sẽ luôn đeo bám những ai cứ mãi lo lắng cho ngày mai.

Đừng lo lắng cho ngày mai; vì ngày mai sẽ tự lo liệu mọi việc của chính nó. Sự thừa mứa của ngày hôm nay là căn nguyên của tội lỗi ngày sau. - Lời răng của Chúa Jesus.

Chúa khuyên chúng ta đừng lo chứ không phải khuyên chúng ta đừng nghĩ!

Nếu tôi cứ để cho nỗi lo lắng đeo bám thì tôi sẽ không còn sức để làm bất cứ việc gì.

Một lối tư duy tốt thường xem xét mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả, từ đó đưa ra những kế hoạch hợp lý và tích cực; còn lối tư duy tồi thường dẫn đến tình trạng căng thẳng và suy sụp về tinh thần.

Mỗi khi bắt đầu một ngày mới, ta cảm thấy có hàng trăm việc phải hoàn thành ngay trong hôm ấy. Nhưng ta cần phải làm từng việc một và để chúng được tiến hành từ từ, đều đặn mỗi ngày giống như những hạt cát chảy qua chỗ thắt của chiếc đồng hồ cát. Bởi nếu không, chắc chắn chúng ta sẽ tự hủy hoại cả thể lực và tinh thần của mình.

Hãy biết rằng ngày hôm nay sẽ không bao giờ trở lại. - Dante.


Các bạn hãy sẵn sàng đón nhận những điều tồi tệ nhất bởi thái độ dám chấp nhận thực tế chính là điều kiện đầu tiên giúp bạn từng bước vượt qua thử thách mà nó mang lại và bắt đầu suy nghĩ tích cực. - William James, cha đẻ của ngành tâm lý học ứng dụng.


Căn nguyên của bệnh đau dạ dày phần lớn đến từ việc sợ hãi, lo âu, oán ghét, ích kỷ quá nặng và tình trạng bất lực trước việc thích ứng với cuộc sống thực tại.

Psychosomatic, một ngành điều trị cùng lúc cả thể xác lẫn tinh thần.

Nếu một người tự tin theo đuổi ước mơ của mình và nỗ lực sống theo cách mà mình mong muốn, người đó sẽ đạt được thành công bất ngờ vào những thời điểm tưởng chừng như không thể.

Phương pháp phân tích và giải quyết sự lo lắng

Lo lắng trên đời này xuất phát từ chỗ mọi người vội vã quyết định trước khi có đủ những hiểu biết cần thiết.

Có hai ý tưởng giúp nhận định thực tế một cách khách quan và sáng suốt

  • Tôi giả định rằng mình không chỉ thực hiện điều này cho bản thân mà còn cho người khác nữa.
  • Tôi tự dặt mình vào vị trí luật sư biện hộ cho mặt kia của vấn đề.

Sẽ dễ dàng phân tích tình hình hơn sau khi viết chúng ra. “Một vấn đề được diễn đạt rõ ràng là một vấn đề đã được giải quyết một nửa” - Charles Kettring.

Hãy làm điều gì đó để cải thiện vấn đề. Nếu chung ta không hành động, tất cả nỗ lực tìm hiểu tình hình sẽ thành công cốc và chỉ là một sự phí phạm năng lượng.

Khi bạn đã uqyết định và tiến hành thự hiện kế hoạch rồi, đừng bận tâm lo lắng gì nữa. - William James, cha đẻ của ngành tâm lý học ứng dụng.

Phá bỏ thói quen lo lắng trước khi sự lo lắng tàn phá chúng ta

Tôi quá bận rộn nên không có thời gian để lo lắng về chuyện ấy (trọng trách to lớn của mình) - Winston Churchill, thủ tướng Anh trong thế chiến thứ hai. Ông từng được trao giải Nobel văn học.

Quy luật cơ bản của tâm lý học : một người dù thông minh cách mấy cũng không thể đồng thời nghĩ đến hai điều.

Việc giữ cho mình luôn bận rộng là một trong những phương thuốc tốt nhất dành cho người mắc bệnh thần kinh.

Ban đêm, trước khi tắt đèn đi ngủ, tôi tập cho mình thói quen phân chia sẵn thời gian cho từng công việc ngày mai. Cách làm này mang lại cho tôi một nhận thức rõ ràng là mình đang làm chủ bản thân. Nếu không, chuôi ngày ở Nam cực sẽ là những gnày trống rộng và khi không có mục đích, cuộc sống của con người sẽ tự tan rã rồi chấm dứt. - Richard Evelyn Byrd, nhà thám hiểm địa cực tiên phong Hoa Kỳ.

Muốn làm mình khốn khổ thì chỉ cầ nhỏi bản thân có hạnh phúc hay không? - George Bernard Shaw.

Khi bị đưa lên đoạn đầu đài, ngài Harry Vane không hề cầu xin được tha chết nhưng lại xin đao phủ đừng chạm vào chỗ cái mụn đinh sưng tấy ở cổ ông.

Những bất hòa nhỏ nhặt là lý do chủ yếu gây ra bất hạnh trong hôn nhân.

Columbus đặt chân lên San Salvador, châu Mỹ vào năm 1492.

Khi tôi không thể định đoạt mọi chuyện, tôi để chúng tự định đoạt. - Henry Ford.

Nếu cứ muốn bác bỏ thế giới thực tại khắc nghiệt và thu mình trong thế giới mơ mộng do chính mình tạo ra, chúng ta sẽ bị mất trí và phát điên.

Giá của một thứ chính là lượng cuộc sống mà chúng ta phải đánh đổi bây giờ hoặc sau này để có nó. - henry David Thoreau, nhà văn, nhà tư tưởng người Mỹ.

Chẳng ai có đủ thời gian để dành cả nửa đời cho việc cãi cọ. Nếu người ta ngừng công kích tôi thì tôi cũng sẵn sàng quên đi những chuyện từng xảy ra trước đây. - Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.

Benjamin Franklin, tổng thống Hoa Kỳ cũng là một nhà khoa học, tác giả, triết gia và nhà phát minh, kể rằng lúc ông 7 tuổi đã từng có lúc bị mọi người trong gia đình cười chế giễu vì quá tự hào khi mua được chiếc còi ông thích nhưng với giá trên trời. Ông nói “Phần lớn nỗi bất hạnh của con người xuất phát từ chỗ họ đã ước lượng sai lầm về giá trị của sự việc, dẫn đến trả giá đắt cho những chiếc còi của mình

“Don’t cry over spilt milk”, một thành ngữ thông dụng trong tiếng Anh, ý nói đừng hối tiếc vì những gì đã qua và không thể thay đổi được.

Người khôn ngoan không bao giờ chịu ngồi than vãn trước thất bại của mình mà sẽ hăm hở tìm mọi cách khắc phục để bù đắp lại những mất mát đã xảy ra. - William Shakespeare

Ngay cả Napoleon cũng bị thua trong 1/3 số trận đánh quan trọng của mình.

7 cách luyện tinh thần để sống thanh thản và hạnh phúc

Bài học lớn nhất mà Dale Canergie học được là gì? Ông trả lời “Đó là bài học về tầm quan trọng của suy nghĩ. Vấn đề lớn nhất, hay có thể nói, vấn đề duy nhất mà tôi và các bạn phải đối mặt là làm sao chọn được những suy nghĩ đúng đắn.”

Anh không phải là con người như anh nghĩ nhưng những gì anh nghĩ sẽ tạo nên con người anh. - Norman Vincent Peale, mục sư nổi tiếng giáo hội tin lành người Mỹ.

Hãy để tâm tới các rắc rối của mình nhưng chớ nên lo lắng vì chúng.

Mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ suy nghĩ của chúng ta và mọi kết quả đều là những hiện tượng tinh thần. - Mary Baker Eddy, người sáng lập ra Christian Science (Khoa học Cơ đốc), đây là tôn giáo duy nhất do một người phụ nữ sáng lập.

Hoàng đế Napoleon “Cả đời tôi chưa có lấy 6 ngày sống trong hạnh phúc”, thế mà Helen Keller, người phụ nữa mù lòa và câm điếc bẩm sinh lại thốt lên “Cuộc đời này tươi đẹp biết bao!”

Nếu tôi có thể rút ra được điều gì sau gần nửa thế kỷ sống trên đời, hẳn đó là “Không gì có thể mang lại sự bình yên cho bạn ngoại trừ chính bản thân bạn”.

William James đã chỉ ra không phải cứ hạ quyết tâm là có thể ngay lập tức thay đổi cảm xúc, thay vào đó, chúng ta nên thay đổi hành động và khi hành động đã thay đổi, cảm xúc sẽ tự biến đổi theo. Không thể có chuyện bạn vẫn tiếp tục thấy buồn chán và thất vọng khi đang hành động như thể mình là người vô cùng hạnh phúc.

Tôi sẽ viết ra những gì mình muốn làm trong từng giờ. Ngay cả khi không thực hiện được chính xác thì ít nhất tôi cũng đã cố gắng. Điều này sẽ giúp loại bỏ được hai tính xấu đó là “hấp tấp” và “lưỡng ự”.


Một câu trả lời mềm mỏng sẽ xóa bỏ hết sự phẫn nộ.

Bị hại hay bị cướp thì có nghĩa lý gì trừ khi bạn cứ nhớ mãi về nó.

Ngạn ngữ có câu “Kẻ không biết nổi giận là kẻ dại, người không muốn nổi giận là người khôn”


Hôm nay ta sẽ lại gặp những kẻ nói nhiều, ích kỷ, tự cao tự đại và vô ơn. Nhưng ta sẽ không ngạc nhiên hya bực dọc, bởi ta không thể tưởng tượng nổi thế giới này sẽ như thế nào nếu thiếu những loại người như thế. - Marcus Aurelius, một trong những người lãnh đạo khôn ngoan nhất của Đế Chế La Mã.

Nếu muốn tìm thấy hạnh phúc thì đừng băn khoăn xem mình có được biết ơn hay không mà hãy cho đi và tận hưởng niềm vui từ chính việc cho đi ấy.


Tôi buồn vì không có giầy cho đến khi tôi gặp trên đường một người không có chân.

Có hai điều cần phải đạt được trong cuộc sống: thứ nhất, có được những gì bạn muốn và sau đó tận hưởng nó. Chỉ những người không ngoan nhất mới có thể làm được điều thứ hai. - Logan Pearsall Smith.


Sai lầm của những người đến xin việc là học không phải là chính mình. Thay vì cư xử tự nhiện và nói chuyện thẳng thắn, họ thường cố đưa ra những câu trả lời mà họ nghĩ là tôi muốn nghe.


Hạnh phúc không chỉ đơn giản là sự hài lòng mà là cảm giác chiến thắng.

Điều quan trọng nhất trong cuộc sống không pahỉ là thu lợi từ những cái mình đang có. Người khờ dại đến mấy cũng làm được như thế. Điều thực sự quan trọng là phải biết thu lợi từ chính những cái đã mất. Việc đó đòi hỏi sự thông minh; và chính nó tạo ra sự khác biệt giữa người khôn và kẻ ngốc. - Nhà văn William Bolitho.

Triết gia Nietzche có một tiêu chí xác định đâu là người xuất chúng như sau: Đó là những người không những có đủ nghị lực để chịu đựng khó khăn mà còn phải yêu thích chúng nữa.

Milton đã viết được những vần thơ hay như thế là do ông bị mù và Beethoven có thể soạn những bản nhạc bất hủ là vì ông bị điếc (năm ông 49 tuổi, 8 năm sau ông mất). Charles Darwin, người đã làm thay đổi hoàn toàn những quan điểm khoa học về sự sống trên trái đất bằng học thuyết tiến hóa của mình đã từng viết “Nếu không phải là một người tàn tật, hẳn tôi đã không thể làm được nhiều việc như vậy.”


Anh có thể khỏi bệnh trong 14 ngày nếu tuân theo đơn thuốc này: mỗi ngày hãy cố nghĩ cách làm vui lòng một ai đó. - Alfred Adler, một nhà tâm thần học vĩ đại.

Khi bạn tốt với người khác, nghĩa là bạn đang tốt với chính mình. - Benjamin Franklin.

“Bàn tay trao tặng hoa hồng luôn mang lại hương thơm”, ngạn ngữ Trung Hoa.

Kẻ kiếm tìm cuộc sống sẽ đánh mất nó nhưng những người biết hy sinh cuộc sống cảu mình cho người khác sẽ tìm thấy nó. - Lời răn của Chúa.

Gạt bỏ nỗi lo bị chỉ trích

Những kẻ tầm thường lấy làm hả dạ trước những sai lầm và dại dột của các vĩ nhân. - Schopenhauer.

Thomas Jefferson, là tổng thống thứ 3, tác giả bản tuyên ngôn độc lập Mỹ, người sáng lập ra Đảng Dân chủ ở Mỹ. Ông cùng với tổng thống đầu tiên - George Washington, Abraham Lincoln (tổng thống thứ 16) và Theodore Roosevelt (tổng thống thứ 26) đã được tạc tượng vào núi đá ở Rushmore. Những vĩ nhân, anh hùng dân tộc.


Franklin nghiêm khắc tự kiểm điểm mình mỗi tối, ông phát hiện mình mắc phải 13 lỗi nghiêm trọng, và đây là 3 trong số đó: lãng phí thời gian, để ý quá nhiều vào những chuyện vặt vãnh, tranh cãi và bác bỏ người khác.

Khi hoàn tất bản thảo quyển sách bất hủ The origin of species (Nguồn gốc các loài), Darwin nhận ra rằng việc công khai quan điểm có tính chất cách mạng của mình về các loài sẽ làm sửng sốt cả thế giới khoa học và tôn giáo. Vì thế, ông đã tự phê bình bản thân và dành 15 năm nữa để kiểm tra lại toàn bộ số liệu, lập luận và kết luận của mình.

Einstein, nhà khoa học lỗi lạc nhất trong lịch sử cũng thừa nhận rằng có tới 99% kết luận của ông là sai lầm.

Kẻ thù thường nhận xét xác thực về bản thân chúng ta hơn chính chúng ta. - La Rochefoucauld.

Sáu cách tránh mệt mỏi và lo lắng, đồng thời nâng cao tinh thần và sức lực

Lượng máu mỗi ngày tim bơm đi khắp cơ thể đủ để đổ đầy một toa chở hàng trên xe lửa. Mỗi ngày, nó tạo ra một lực đủ sức nâng 20 tấn than đá lên một toa xe cao cả mét. Và trái tim của chúng ta có thể tiến hành khối lượng công việc lớn đến khó tin này suốt 50, 70 hoặc thậm chí 90 năm! Bác sĩ Walter B. cannon, giảng viên trường Y khoa Harvard cho biết “Hầu hết mọi người đều cho rằng trái tim làm việc liên tục. Nhưng thực ra, sau mỗi lần co bóp, nó đều có một khoảng thời gian nghỉ ngơi nhất định. Ở nhịp đập trung bình 70 lần/phút, trái tim thực tế chỉ làm việc 9/24 giờ. Nghĩa là trong một ngày, nó có 15 giờ để nghỉ ngơi.


Đối với người am hiểu tâm lý học thì thói quen là một nhân tố có tính chất quyết định đáng kể.

Tôi đánh giá thành quả công việc của mình không dựa vào mức độ mệt mỏi, mà căn cứ trên mức độ không mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc.

Một trong những phương thuốc giúp vơi bớt lo âu là “nói ra những rắc rối của bạn với một người bạn tin tưởng. Chúng ta còn gọi đó là hành động trút gánh nặng trong lòng.”

Recent read books

see all books

Top