Lần đầu thấy trăng

Lần đầu thấy trăng là một tiểu thuyết giáo dục. Tác giả mượn những con người, hình ảnh và cốt truyện để nói về một phần thực trạng giáo dục của Việt Nam ngày nay, về những suy nghĩ thầm kín của một người giáo viên chân chính. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, về đạo đức nghề nghiệp cũng như tác động của môi trường giáo dục rập khuông, đề cao thành tích được miêu tả sinh động qua tác phẩm.

Tác phẩm cũng cho ta góc nhìn nội tâm đa dạng của một bộ phận trẻ cá biệt với những tính cách mạnh. Những gì ta thấy và hiểu về chúng chưa nói lên con người của chúng. Ai cũng có một hoài bão và ước mơ riêng, chỉ là họ có đủ nghị lực để vượt qua cái hoàn cảnh và trách nhiệm nặng nề mà cuộc sống khôn lường mang đến cho họ hay không.

Lời tự sự về nhân sinh quan, về thái độ sống của nhân vật chính khiến cho ta có một sự đồng cảm sâu sắc với những kiếp người cùng khổ trong xã hội.

Chung quy lại thì giáo dục vẫn là quốc sách hàng đầu của quốc gia, Võ Diệu Thanh ẩn ý gởi đến mong muốn đổi mới cải cách giáo dục một cách toàn diện và mang tính thực tiễn hơn là tô vẻ hình thức như hiện nay. Tác phẩm cũng cho ta thấy vẻ bất lực và lời than trách cho số phận của nền giáo dục hiện tại. Hệ thống trường học, giáo viên, bằng cấp, bảng điểm và thành tích ngày một sáo rỗng và không mang lại lợi ích thiết thực.

Nếu là một người làm trong giáo dục, yêu nghề, yêu trẻ, cũng có mong muốn góp một chút gì đó cho nền giáo dục nước nhà hay chỉ đơn giản là một người còn lòng trắc ẩn về thế thái, nhân sinh, về quá trình xây dựng con người dưới tác động khó lường của xã hội, hãy đọc tác phẩm này của Võ Diệu Thanh.

Xem tóm tắt

Tác phẩm có thể coi là quyển nhật ký cá nhân của Dẫu, một cô bé sinh ra trong một gia đình nghèo, ở một vùng quê nghèo thiếu chữ. Người dân nơi đây họ không quan tâm đến giáo dục, họ chỉ mong sao lo cho đủ cái ăn cái mặc hàng ngày đã là quá mãn nguyện rồi. Tâm lý cái ăn đi trước đó bao trùm gần như toàn bộ con người vùng xa xôi hẻo lánh. Đối với họ, học hành là một thứ xa xỉ, chỉ dành riêng cho những người giàu có, no đủ.

Dẫu là một sản phẩm của cái xã hội thiếu chữ này. Tâm trí cô bé bị xã hội làm cho bao phủ cái ý nghĩ kỳ thị các con chữ và khinh thường hệ thống giáo dục.

Em cũng được đi học và có hai người bạn mà em xem là “thân nhất” đó là Dị và Hậu, mọi người vẫn gọi ba đứa nhóc tụi em là “Dẫu Dị Hợm” vì chúng em là thành phần cá biệt nhất trong lớp học. Em xem hai đứa kia là những đứa em có thể chọc ghẹo một cách thoải mái nhất và cũng là hai đứa mà em ganh đua từng li từng tí một.

Trong mắt em và xuyên suốt câu chuyện mà em kể, thầy cô giáo trong trường học Dương Đôi bị hệ thống giáo dục đề cao thành tích làm cho “tha hóa” về đạo đức nghề nghiệp, trong đó nổi bậc có 3 hình thái thầy/cô giáo. Hình thái thầy/cô giáo đề cao thành tích, đạt nhiều giấy khen nhưng chất lượng thực tế giáo dục đi ngược lại với những lời khen ấy, hình thái này thể hiện rõ nhất qua hình ảnh “cô Tài Ba” (tên do Dẫu tự đặt). Hình thái thứ hai là những nhà giáo cũng có tâm nhưng sớm bị cái guồng máy giáo dục xưa cũ và kém hiệu quả chèn ép và bất lực trước thực tại để rồi cũng bị cuốn theo cơn lũ và chỉ còn dạy với mục đích mưu sinh qua ngày, điều này hiện lên qua nhân vật “thầy Mãi”. Hình thái cuối cùng, cũng là điểm sáng hiếm hoi trong nền giáo dục, đó là hình ảnh cô giáo Hoàng, một nhà giáo tận tâm với học sinh, với phương pháp linh động mà mình thấy là phù hợp nhất với học trò, người bỏ ngoài tai những thành tích và sẵn sàng chịu trách nhiệm chỉ với mong muốn duy nhất là học trò của mình học tốt. Niềm hy vọng nhỏ này sau này được Võ Diệu Thanh gợi lại một lần nữa qua hình ảnh của Hậu khi đã trưởng thành. Hậu cũng thi vào sư phạm nhưng sau khi tốt nghiệp, cô không về dạy ở trường Dương Đôi mà dạy ở nhà, nhà của thầy Độ vì cô không chấp nhận được việc bị cuốn mình theo dòng chảy hoen ố của hệ thống giáo dục.

Bối cảnh của truyện xoay quanh một “ngã ba”, nơi mà trường tiểu học Dương Đôi, nhà thầy Độ và nhà trọ Tình, nơi mua trăng bán nguyệt của các cô gái cùng tọa lạc gần nhau. Điều ấy làm nổi bật lên nhiều khía cạnh trong xã hội và được so sánh một cách thâm thúy với điều tương ứng trong giáo dục.

Dị lớn lên cũng vào được đại học nhưng cậu ta vốn theo diện con ông cháu cha nên học hành bê tha cũng được làm chức lớn. Hậu thì như đã nói ở trên, trở thành một cô giáo hiền dịu và tận tâm với con trẻ. Còn Dẫu, nhân vật chính, em sớm bỏ học vì lên tới lớp 4, lớp 5 mà một con chữ cũng chưa biết. Em bỏ học để đi bán vé số rồi sau đó phải dấng thân vào nhà trọ Tình và mưu sinh bằng nghề bán dâm.

Dẫu cũng tìm được cho mình một người để thương, để nhớ trong một lần lạc bước đến xóm khác. Em gặp được Nhiều, một chàng trai ham học và không biết nguồn gốc cũng như công việc hiện tại của em. Nhiều đã làm dấy lên trong Dẫu niềm ham muốn hoàn lương và biết đọc chữ. Nhưng chính vì cái khoản cách quá lớn về học thức cũng như cái nghề mà em đang làm đã cản bước em đến với tình yêu của chính mình.

Kết thúc truyện là sự bỏ đi không lời từ biệt của Dẫu nhưng đâu đó trong em đã thấy được ánh sáng cuối con đường. Em quyết thay đổi đời mình và làm lại từ đầu. Một kết thúc mở và đâu đó để lại trong lòng người đọc một khoảng trống nhỏ nhưng qua đó thấy được niềm hy vọng lớn lao mà Võ Diệu Thanh gởi gấm qua tác phẩm, niềm hy vọng về một nền giáo dục hoàn thiện hơn, lấy học sinh làm trung tâm như bản chất nó là vậy.

Recent read books

see all books

Top