Tại sao lại đọc quyển này?
Anh bạn cùng phòng bảo mấy thể loại kiểu này không nên đọc. Kiểu này là kiểu hạt giống tâm hồn, về cách sống. Anh quan niệm cách sống mỗi người mỗi khác, chỉ có tiến thân vào thực tế thì mới có thể cảm nhận được. Mấy sách này là kinh nghiệm của người ta, là “con người” của người ta chứ không phải “mình”. Thật ra, ảnh có cái lý của ảnh vì cùng thời gian đó, hãy đọc những thứ thiết thực hơn. Anh không nói sách này dở, anh chỉ bảo không nên đọc.
Tôi không nói anh sai mà cũng không nói anh đúng hoàn toàn. Cái tôi muốn nói là tại sao nên đọc sách naỳ.
Một điểm chung giữa quyển sách này (Đi tìm lẽ sống) với phim The Walking Dead, phim Breakinh bad, phim The last ship, cũng như hàng tá bộ phim đề tài tận thế khác không ở cách thế giới vận hành những thời khắc như thế mà ở cách thế giới nội tâm con người biến chuyển với sự vận hành ấy.
Ở quyển Đi tìm lẽ sống này, Victor Frankl kể lại những ngày tháng địa ngục ông ở trong trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã dành cho những người Do Thái. Có lẽ vốn là một bác sĩ tâm lý học nên cách ông cảm nhận về thế giới nội tâm của những người tù xung quanh ông và cũng là của chính ông hiện lên rất chân thật và hợp lý. Khi đọc cái tựa “Đi tìm lẽ sống” rất oách. Có lẽ nhiều người đã tự hiểu là “Giúp bạn… Đi tìm lẽ sống” nên khó trách có những cái nhìn như ông bạn của tôi. Quyển này rất khác với những quyển như “Quẳng gánh lo đi và vui sống” hay “Đắc nhân tâm” của Dale Canergie. Nó không cho ta lời khuyên (thật ra tôi chưa đọc hết tác phẩm, tôi chỉ dựa vào những gì tác giả nói lúc mở đầu cũng như vài chương đã đọc. Victor Frankl cũng biết thể nào bạn cũng hiểu lầm nên đã nhắc đi nhắc lại về mục đích thật sự của sách ở chương giới thiệu).
Tại sao phải “Đi tìm”? Tại vì ta đã mất. Mất mà không còn cái gì tương tự để mà secours (sơ cua). Trong tác phẩm, những tù nhân hoàn toàn bị tước đi mọi thứ, họ từ chỗ có 1 cuộc sống bình thường, no đủ bỗng chốc chẳng còn gì. Về mặt vật chất lẫn về tinh thần. Tuy nhiên mất mác không hẳn chỉ là tất cả mọi thứ. Có người mất đi tất cả trong 1 khía cạnh nào đó. Họ khánh kiệt, họ mất hy vọng, mất tất cả trong tình yêu, mất đi người mà họ thương nhất, mất đi công việc, sự nghiệp mà họ dành gần trọn cả đời theo đuổi. Với họ, đó là mất tất cả.
Qua những gì cảm nhận bước đầu, Victor Frankl không cố đi tìm cái mà người ta mất (lẽ sống) mà chính là phát hiện ra những thứ khác vẫn có ý nghĩa hơn vẫn đang hiện hữu.
Cảm nhận sau khi đọc tác phẩm
Nói đọc xong tác phẩm là sai, thật ra chỉ đọc được 70% tác phẩm thôi và tôi quyết định dừng lại vì lý do đề cập bên dưới.
Tác phẩm này được chia ra làm 2 phần rõ rệt.
Một nói về quãng thời gian tác giả ở trong trại tập trung Auschwitz, về những khó khăn khủng khiếp mà những người “tù” nơi đây phải chịu đựng. Lồng ghép trong đó là cách kể chuyện thiên về hướng phát biểu cảm nghĩ của người tù hơn là hướng miêu tả thực trạng đàn áp của lính SS hay chế độ hà khắc của phát xít Đức. Phần còn lại nói về “Liệu pháp ý nghĩa” do chính tác giả đề xướng (ông là 1 bác sĩ tâm lý học). Qua những gì đã trải nghiệm ở trại Auschwitz, ông nhận thấy rằng việc điều trị tâm lý bình thường là chưa đủ với một bộ phận lớn người mắc các chứng bệnh về tâm lý mà qua đó, ông nhấn mạnh về việc làm cho con người hiểu rõ và biết được ý nghĩa cuộc sống họ cần đạt được để tồn tại. Hay nói khác đi, sống là phải có mục đích. Nếu không có mục đích, con người ta dễ dàng lạc vào “trạng thái chân không” (không biết mình cần làm gì, nên làm gì, chán nản và thậm chí có thể tuyệt vọng)
Tôi rất thích phần 1, phần vì nó giúp tôi có được cái nhìn về những trại tù giam người Do Thái thời thế chiến thứ II, phần vì tác giả quá hay khi dùng nó để miêu tả và giảng giải các triệu chứng tâm lý của những người phải chịu tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần trong 1 giai đoạn quá dài.
Ngược lại với phần 1, dù tác giả cố gắng khái quát hóa cho những người ở thời bình nhưng có vẻ nó quá hàn lâm về chuyên môn tâm lý học. Tuy ông có một cố gắng lớn khi bình dân hóa các thuật ngữ và phương pháp tâm lý nhưng khó lòng tạo niềm hứng thú khi đọc. Dù rằng rất thích tâm lý nhưng tôi phải dừng đọc khi còn tới 30% sách chưa đọc.