Bức xúc không làm ta vô can

Có lẽ đây là quyển sách mang hơi hướng “chống đối xã hội” đầu tiên mà tôi đọc. Chống đối ở đây là đi ngược lại với những xu hướng và phong trào mà đám đông theo dõi. Điển hình như hùa nhau chia sẻ những đoạn clip lên án, tố cáo, đả kích, chê bai cũng như những thói quen của thời “a cồng” như seo phì, tự sướng, khoe mẽ, cuốn hút,…

Đặng Hoàng Giang (DHG) đã rất can đam khi dấn thân vào đề tài chính luận xã hội như thế này nhưng qua đó cũng cho thấy ông đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho quyển sách này điển hình ở cả hai mặt: cập nhật tin tức thời sự nóng hổi và tích lũy đủ kiến thức về tâm lý con người để lý giải cho những tin tức ấy.

Viết cái thể loại khó nhằn này tất nhiên mang đậm dấu ấn riêng tư của người viết. Cái hay của DHG chính là ông đã mượn hồn của khoa học chính xác để nói về những trừu tượng trong tích cách con người. Lập luận của ông “khá” chặt chẽ và mang tính bao quát cao khi cố gắng nhìn nhận các sự việc thời sự khác nhau dưới một góc nhìn phản biện và đối lập để cho thấy vấn đề không chỉ được nhìn qua xu hướng chung của toàn xã hội mà cần phải được nhìn nhận khái quát hơn, tỉnh táo hơn.

Tôi là một fan của góc nhìn “chống đối” này. Và đó là lý do vì sao quyển sách cuốn hút tôi nhiều đến vậy khi tôi đang trong giai đoạn “tạm bỏ đọc sách Việt” để tập trung cho công việc hiện tại.

Tôi đã dùng nhiều dấu ngoặc kép (“) để nhận xét về tác giả chính là vì lập luận của ông tuy mới mẻ và khá hay nhưng vẫn còn mang tính thành kiến và lối mòn. Ông mặc định người con gái xa nơi ông sinh ra là “gái” vì xã hội nơi ông ở quan niệm như vậy. Ông cố gắng tìm cái “dở” trong các thứ hay ho mà mọi người tán thưởng và cố gắng “dìm hàng” nó bằng các lý luận khoa học dù rằng không sai nhưng nó giống như việc ông lão bán hàng khẳng định con lừa là vô dụng khi quẳng chiếc áo mỏng lên người làm nó ngã khụy trong khi quên rằng nó đã rất tài khi khuân một đống lỉnh kỉnh nặng nề khác. DHG cố gắng nhìn mọi thứ ở hai góc nhìn khác nhau, 1 góc nhìn đã có xã hội lo, ông chỉ cố gắng phân tích ở góc nhìn còn lại và nhiều lúc quên rằng ông quá ưu ái cho góc nhìn đó và quên hẳn đi góc nhìn kia.

Vậy nếu bạn hỏi tôi có nên đọc sách này không? Tôi sẽ khuyên bạn là nên nếu như bạn là một người không chấp nhận “đi theo phong trào”, “sống thực tế” và “quan tâm đến những vấn đề xã hội theo cách muốn nó tốt lên bằng phương pháp tìm ra gốc rễ chứ không phải quở trách nó để rồi không biết đóng góp ra sao”.

Những đoạn tôi thích

chủ nghĩa anh hùng thực sự thường không rực rỡ và không kịch tính.

không phải lối sống của họ dẫn họ tới nghèo đói, mà nghèo đói đã tạo cho họ lối sống như vậy.

Theo các nghiên cứu về thần kinh, trong khi các cú stress ngắn hạn có tác dụng làm tăng sự tập trung và linh lợi, stress mãn tính gây hại tới “hồi hải mã”

một loạt các thí nghiệm với người dân Mỹ của Đại học Princeton kết luận rằng nghèo khổ có hậu quả tương đương với mất đi 13 điểm của chỉ số IQ.

Câu chuyện nhỏ này cho ta thấy là chúng ta, một cách vô thức, thờ ơ với các tin tốt, nhưng lại quan tâm đặc biệt tới các tin xấu.

chê bai đang trở thành những trạng thái thường trực trong dư luận.

“Các ngôi sao là hiện thân cho sự đắc thắng của đám đông.”

Giá trị của một ngôi sao không được đo bởi đóng góp của họ cho xã hội và cộng đồng, mà được đo bởi số lượng người theo dõi họ.

Vì sao các sao hấp dẫn? Họ là màn ảnh để công chúng chiếu lên đó các giấc mơ, các khao khát của mình.

“Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng,” nhà toán học và triết học Pháp Blaise Pascal

“Mọi cái tệ hại của con người tới từ chỗ họ không thể rời smartphone để ngồi yên một mình.”

Đám đông ưa thích hai trạng thái, một là dạy dỗ, chỉ bảo, ban phát lòng thương, hai là chê bai, giễu cợt, phẫn nộ.

một nghiên cứu của Đại học Chicago cho thấy cưỡng lại thèm khát truy cập mạng xã hội còn khó khăn hơn là khước từ thức ăn và tình dục.

Mỗi cái like, chia sẻ, bình luận tán thưởng, là thêm một mơn trớn cho cái tôi của người đăng tin, một lần nữa khẳng định giá trị, trí thông minh, sự hóm hỉnh của họ,

phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp.

Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái newsfeed để hòng tìm được một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.

Cái gì không được ghi vào bộ nhớ điện thoại, cái đó không tồn tại.

Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh.

Người ta chỉ có thể lắng nghe tiếng nói bên trong mình nếu bỏ được ra ngoài sự ồn ào xung quanh. Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm.

“Người gây cảm hứng và dẫn đường cần tách khỏi những người khác, để không phải sống, thở, đọc và viết hằng ngày dưới gông cùm những ý kiến của họ.”

khi một mình, nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé.

khi một mình, nhà văn Đan Mạch Dorthe Nors viết, chúng ta phải đối diện với cảm xúc của ta, quá khứ của ta, cuộc đời của ta, những vấp váp, sai lầm của ta, ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé. Cần lòng dũng cảm để không lẩn tránh chúng. Đổi lại, điều ta nhận được là một sự vững vàng mà không phải bám víu vào sự tung hô của người khác.

Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi. Họ vẫn ở trong xã hội, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới. Họ tự do trước các con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc hơn, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn.

Chúng ta có nên tìm cách xóa bỏ giàu có quá mức thay vì xóa bỏ nghèo đói cùng cực?

thể chế chính trị, tự do thương mại và bình đẳng trong thu nhập là ba yếu tố quan trọng nhất có thể kéo dài các giai đoạn tăng trưởng của một nền kinh tế

Cuối 2013, tòa án tối cao Pháp thông qua mức thuế 75% cho tất cả các thu nhập vượt 1 triệu Euro một năm. trong một thế giới với nguồn lực hữu hạn, nghèo đói chỉ có thể được giải quyết nếu chênh lệch giàu nghèo cực đoan được chấm dứt.

“Sự bình đẳng chính trị mà chúng ta giành được đã vô nghĩa trước sự bất bình đẳng kinh tế.”

Việt Nam không có tư pháp vị thành niên, và cái đáng sợ của hệ thống thể hiện ở chỗ nó coi những người vi phạm trẻ tuổi như người lớn.

Nhà tù được thiết kế, xây dựng và vận hành để phục vụ bốn mục đích.

Việt Nam xếp hạng cao ở đây không phải do người Việt “lạc quan tếu”, “dễ bằng lòng”, “buông xuôi” như một số báo chí đã bình luận trong thời gian qua, mà là do chúng ta còn chưa đi nhiều ô tô, và tuy có một cuộc đời còn nhiều bức xúc nhưng bù lại thì sống lâu.

Bởi vì nếu hằng năm Tết đến người ta vẫn xin ông đồ chữ Nhẫn như một cái máy, mà không ai bỏ ra lấy hai phút để nghĩ xem trong năm mình đã tu tập, cảnh tỉnh bản thân thế nào, thì nếu có bỏ cái chữ Hán đó đi mà thay bằng cái gì đấy người ta có thể “đọc được” như ông Dương yêu cầu (“Keep calm” cho nó Tây?) thì cái tờ chữ đó cũng chẳng thần kỳ biến người sở hữu nó thành một người tự chủ, đàng hoàng, bản lĩnh.

hai học giả Daron Acemoglu và James A. Robinson của MIT và Đại học Harvard cho ra đời cuốn Vì sao các quốc gia thất bại, gây tiếng vang lớn.

Ở phương Tây người ta dùng khái niệm châm biếm “Người cứu tinh da trắng” (White savior) để chỉ những người phương Tây tới những nước nghèo hơn để “giúp đỡ”, nhưng không hiểu gì về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị của nước đó.

Thay vì hỏi: “Cháu đã có kẹo chưa?” du khách Sapa ở bên trên nên hỏi: “Tại sao cháu lại đứng ở đây mà không tới trường?”

từ thiện trở thành một cử chỉ phô ra sự thương hại và sức mạnh của người giàu, bởi họ không quan tâm tới hoàn cảnh xã hội, và qua đó từ chối thay đổi nó để giải quyết bất công.

Nếu từ thiện chỉ là phong trào, để lấy like, để xoa dịu lương tâm, để cầu may, để đánh bóng tên tuổi, để thể hiện vị thế xã hội, thì người cho đã tự khước từ khả năng nhận. Lúc đó, từ thiện đánh mất chức năng là chất gắn kết của một cộng đồng. Ngược lại, nó chỉ củng cố các bất công trong xã hội.

“trọng tâm dịch chuyển từ việc xây dựng những giá trị đạo đức bên trong mỗi người sang xây dựng những ấn tượng mà người ta gây cho người khác.”

Gần đây người ta tâm đắc với câu “35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn”. Thông điệp ở đây là gì? Nghèo đói không thuộc về trách nhiệm của quyền lực - họ vô can. Người nghèo nghèo vì họ không có “tư duy triệu phú”.

Nó bỏ qua đúc kết dân gian “con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

“Bất cứ ai đọc quá nhiều và sử dụng bộ óc của mình quá ít sẽ có thói quen lười nhác trong suy nghĩ.” Câu này là của Einstein

Những người không còn nghèo nữa thì vẫn mang thói quen từ thời bao cấp đã ăn sâu trong tiềm thức, nên họ vào resort cao cấp rồi mà vẫn chen lấn nhau khi lấy đồ ăn.

Người Việt không muốn thành phương Tây đâu, họ chỉ mơ cuộc sống vật chất phương Tây mà thôi. Có thể nói là giấc mơ phương Tây bị mắc kẹt trong cái bảo thủ phương Đông.

sự chuyển dịch từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường đã là yếu tố quyết định cho quá trình tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Việt Nam trong hai thập kỷ qua.

Khách hàng là vua, đúng vậy, nhưng chỉ chừng nào anh ta còn là một khách hàng. Nếu anh ta không có sức mua, anh ta sẽ không tồn tại trong thị trường.

Não bộ có thể tổng hợp các thông tin một cách nhanh nhất và rút ra kết luận ngay lập tức mà giới khoa học gọi là tiềm thức thích nghi.

Trong quá trình vô thức của mình, chúng ta rút ra những kết luận dựa trên những lát cắt rất mỏng của kinh nghiệm.

Recent read books

see all books

Top